Chú Giải Tin Mừng Thứ Năm Tuần XXIX Mùa Thường Niên (Lc 12,49-53) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ NĂM TUẦN TUẦN XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 12,49-53

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Ep 3,14-21

Tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha là nguồn gốc mọi tình phụ tử…

“Quỳ gối" để sấp mình xuống : thường thường người Do Thái cầu nguyện trong tư thế đứng hay ngồi... cử chỉ sấp sát đất, đối với họ là một tâm tình tôn thờ thẳm sâu. Những người phương Đông trong các đền chùa hay trong các đền thờ Hồi giáo, không có ghế ngồi, họ luôn giữ cử chỉ này để tỏ dấu ôn thờ thẳm sâu. Chúng ta cũng cần có những cử chỉ xác ám hạp để dễ cầu nguyện. Ở nhà mình thì có thể thực hiện được, nhưng theo đà văn minh, ở nơi công cộng, cử chỉ có tính cách lập dị mà thật khó thực hiện.

“Thiên Chúa là nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời dưới đất”. Ôi lạy Cha, xin cảm tạ Cha cho chúng con được tham dự vào niềm hoan lạc được làm cha có thể nói làm mẹ nữa) của Người.

Trong tất cả mọi người, bất luận nam nữ, hễ ai yêu thương và sinh sản, thì có Thiên Chúa hiện diện. Và đó, không chỉ là một sự uỷ nhiệm có tính cách làm cha: tuy rằng chúng ta, là cha của những đứa con này nhưng Thiên Chúa vẫn là Cha của chúng cách riêng. Chúng ta “làm cha" với Người. Hay nói sâu xa hơn, chúng ta tạo cơ hội mầu nhiệm cho Người có những tạo vật mới để yêu thương.

Điều đó đúng cho người có đôi bạn cũng như độc thân.

Xin Người cho anh em được ủng cố mạnh mẽ, nhờ Thần Khí của Người để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng.

Quyền lực - sức mạnh - Các ân sủng thần linh.

Nhờ sức mạnh của người, xin làm cho chúng con, nên hùng mạnh.

“Con người nội tâm" là một phần con người chúng ta được Thần Khí hướng dẫn và ngày càng đổi mới, dù con người bên ngoài có tiêu tan đi (2 Cr 4,16).

Xét theo con người “nội tâm”, tôi vui thích vì luật Thiên Chúa, nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác , luật này chúng là luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tôi (Rm 7,22).

Ôi! Lạy Chúa, xin Người củng cố “con người ấy" trong con, con người biết yêu thương, quảng đại và niềm nở, con người trong sạch dấn thân phục vụ kẻ khác, con người được thần Khí hướng dẫn, dù cho con người kia có trồi lên trong thâm tâm của con là con người ích kỷ, chật hẹp, khép kín, nhớ uế, biếng lười, khó bảo...

Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn.

Đây là con người chân xác . "Con người nội tâm, trong tôi, đó là một họa ảnh, một thông đồng nào đó... một Đức Kitô đang triển nở : thâm sâu trong tôi. Chớ gì được đúng như vậy, lạy Chúa!

Xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái.

"Con người nội tâm", Đức Kitô nội tâm, nói cụ thể ra, là đức ái Thiên Chúa là tình yêu. Được Thần Khí Thiên Chúa yêu thương, tức là yêu thương.

Như thế, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước, “rộng”, “dài” , "cao” , "sâu”… Anh em sẽ nhận biết tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.

Một tình thương vô biên không bao giờ cùng tận. Một tình thương bao la vượt mọi biên giới. Một tình thương rộng, dài cao, sâu. Tôi để cho các hình ảnh ấy thấm nhập trong tôi.

“Anh em sẽ nhận biết... điều vượt quá sự hiểu biết!. Chúng ta sẽ không bao giờ đi vòng quanh Thiên Chúa, vòng quanh Đức Kitô. Luôn luôn khám phá ra điều mới lạ. Nhận biết không phải một kiến thức khô khan lạt lẽo, trí thức, nhưng là mọi sự hiểu biết của quả tim. Nhận biết tình thương của Đức Kitô : thưởng thức, hiểu thấu tận tâm can, trải qua thời giờ ở với kẻ mình muốn tìm hiểu.

Bài đọc II: Rm 6, 19-23

Thánh Phaolô ý thức là không tới được chỗ diễn tả đầy đủ điều ngài cảm thấy : "Tôi nói theo cách con người về sự yếu hèn của anh em ..Người đã dùng hình ảnh sự nô lệ, để nói về sự tuân phục Thiên Chúa”… về “ sự dễ dạy đối với những linh ứng của Thánh Thần". Phaolô biết rõ rằng ngôn ngữ này không thích hợp, không một ngôn ngữ nhân loại nào có thể diễn đạt hoàn hảo liên hệ giữa con người với Thiên Chúa. Trong trang sách chúng ta suy niệm HÔM NAY, Phaolô dùng sự đối nghịch giữa “nô lệ" và tự do Kitô hữu là người tự do!

Xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái.

Xưa anh em đã cống hiến cho thể anh em làm nô lệ sự ô uế vì sự gian ác…xưa kia anh em làm nô lệ tội lỗi anh em đã được những lợi ích gì do những việc mà giờ đây anh em phải hổ thẹn?

Trước khi được rửa tội, các độc giả của lá thư này đã sống đời lương dân. Phaolô gợi nhớ cho họ. Hãy nhớ lại tội lỗi anh em, anh em có thật sự hạnh phúc không ? Chính anh em có hổ thẹn khi gợi lại tội lỗi anh em không?

Lời mời gọi của Phaolô cũng đáng giá cho chúng ta nữa, cả khi chúng ta được rửa tội từ lúc mới sinh. Chúng ta cũng có kinh nghiệm về “ sự nô lệ " này. Nên dùng thời giờ để suy xét về các tội lỗi của chúng ta; coi chúng như những giới hạn

đối với sự tự do của chúng ta. Không phải vì thú vui bệnh hoạn với nỗi phiền muộn, nhưng để ao ước hẹn nữa “sự giải thoát” Đức Kitô đề ra.

Nay anh em cũng hãy dùng chi thể làm nô lệ sự công chính, để trở nên thánh thiện.

Kinh nghiệm về tội lỗi không tìm Phaolô vào nỗi bi quan. Đây là phương sách sư phạm nhằm dẫn tội nhân tới ơn cứu rỗi. Không ai có thể thoát khỏi tội lỗi nếu họ vui khoái nó. Phải cảm nhận được “sự buồn nôn” của đời sống xấu xa này để ao ước thoát ra.

“Nô lệ sự công chính ". Thường người ta có thể diễn dịch từ này bằng từ gần cận là xác đáng. Điều chính đáng, là điều thích đáng, chân thực, phù hợp với sự vật. Một khung cửa đóng khít, không quá lớn cũng không quá nhỏ. Một tấm áo vừa vặn, là tấm áo vừa lớp với người mặc. Một đồng hồ chính xác là chiếc đồng hồ chỉ đúng giờ, không nhanh không chậm. “ Sự xác đáng là phẩm chất tất yếu của sự vật. Đối với con người, chính đáng là nên "đúng thực một con người, là phù hợp hoàn toàn với hình ảnh Thiên Chúa đã tạo lập nên” . Chính Người đã tạo thành con người.

“Nên thánh thiện”. Đây là một loại đồng nghĩa : Công chính = xác đáng = hoàn hảo = thánh thiện.

Duy có một Đấng đã thể hiện sự hoàn hảo của con người Chúa Giêsu : Sự thể hiện đầy đủ về con người theo như Thiên Chúa.

Được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa, thì anh em được những ích lợi, đưa đến sự thánh thiện, mà chung cục là sự sống đời đời.

Ta ghi nhận sự tương đồng Thánh Phaolô thiết lập: nô lệ sự công chính = nô lệ Thiên Chúa.

Thiên Chúa, Đấng công chính tuyệt hảo, Thiên Chúa Đấng Hoàn Hảo. Thiên Chúa Đấng Thánh Thiện. Phục vụ Thiên Chúa, là được tự do, vì là phục vụ sự hoàn hảo. “Hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành ". Lạy Chúa, Chúa biết đó, sự Thánh Thiện làm cho bao người phải sợ, vì họ tưởng có khác thường, qua "cuộc đời các thánh”. Dầu vậy, Chúa muốn chúng con nên thánh, như Chúa thánh thiện. Xin cho chúng con thể hiện cách khiêm tốn, mỗi ngày điều hoàn hảo tuyệt mức. Cố làm "tốt nhất có thể " những việc nhỏ bé nhất.

Vì lương bổng của tội lỗi là sự chết. Nhưng hồng ân của Thiên Chúa là sự sống đời đời trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

Tồi lỗi = nô lệ = chết...

Công chính = tự do = sự sống = Thiên Chúa.

Thánh Phaolô tránh nói tới lương bổng để được sống đời đời ; như người ta trông chờ trong câu văn ; sự sống đời đời là một “ ơn”.

BÀI TIN MỪNG: Lc 12, 49-53

Thầy đã đến ném lửa vào trái đất..

Lấy lại hình ảnh đẹp trên đây, một bài ca hiệp lễ đã vang lên tiếng hát : “ Là người ăn xin lửa, con giữ Chúa trong tay con, như người ta giữ tia sáng nơi này đón đợi mùa đông... Và Chúa trở thành ánh lửa cháy, thiêu đốt thế giới…”

Trong toàn bộ Kinh Thánh, lửa là biểu tượng Thiên Chúa : Người hiện diện nơi bụi gai cháy lửa mà Môsê đã gặp, trong lửa giông bão tại núi Sinai, trong các lễ vật tại đền thánh mà các vật sát tế phải chịu là thiêu, như hình ảnh tượng trưng của ngày chung thẩm sẽ thanh tẩy tất cả:

Đức Giêsu vì Người là người rê lúa sẽ quăng rơm vào lửa (Mt 3,12)

Người nói đến lửa mà cỏ lùng không lợi ích sẽ bị ném vào (Mt 13,40).

Nhưng Người từ chối không để lửa trời giáng xuống tiêu diệt những người xứ Samari (Lc 9,45).

Giáo hội tiếp tục sống “lửa của Thánh Thần " hiện xuống ngày lễ Ngũ tuần ( Cv 2,3)

Lửa đó đã đốt nóng tâm hồn những môn đệ quê làng Emmau đang hành trình, khi họ lắng nghe Đấng phục sinh mà chưa nhận ra Người (Lc 24,32).

Và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!

Trong những trang Tin Mừng trên Đức Giêsu yêu cầu ta phải tỉnh thức, sẵn sàng trong tư thế phục vụ, thì Người cũng mời gọi ta một thái độ không ngừng đón nhận thánh ý Chúa.

Chính Đức Giêsu đã nêu gương về thái độ này, khi Người tha thiết ước mong làm cho Nước Chúa trị đến.

Không được mê ngủ!

“Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!".

Cần phải tách mình ra khỏi cái tầm thường của cuộc sống. Phải, thiêu đốt "... ngay giữa những cái tầm thường hằng ngày.

Thầy sẽ phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc ấy hoàn tất.

Dùng lửa của Thiên Chúa để canh tân thế giới, thanh tẩy nhân loại. Đó là điều luôn ám ảnh Đức Giêsu. Để thi hành điều độ, Người biết Người phải chịu nhận chìm trong đau khổ và cái chết sẽ trùm phủ Người như sóng biển nổi nhấn kẻ chết đuối.

Lòng người đầy băn khoăn thao thức về ý nghĩ này. Cứu chuộc thế gian…thanh tẩy, cứu sống con người… đó là những công việc không thể hoàn thành, nếu không nỗ lực, không trải qua muôn vàn đau khổ. Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó.

Làm sao chúng ta lại có thể kinh ngạc vì điều đó gây nguy khó cho ta ? Bởi vì nó đã từng gây rất nhiều nguy khó cho Đức Giêsu? Lạy Chúa, xin ban ơn cho chúng con biết tham dự vào phép rửa của Chúa.

Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng đúng là để gây chia rẽ.

Đấng Mét-xi-a được ngóng đợi như Hoàng tử Hòa bình ( Is 9,5 ; Dcr 9,10 ; Lc 2,14 , Ep 2, 4).

Bình an là một trong những ân huệ lớn lao nhất mà con người mong ước: nếu không có nó, mọi điều khác sẽ trở nên hão huyền và mỏng manh. Người Do Thái thường chào hỏi nhau bằng lời chúc bình an. "Sha-lom”. Đức Giêsu đã cho các nam nữ tội nhân trở lại cuộc sống bằng một lời đầy ý nghĩa : “ Con đi về bình an” ( Lc 7,50. 8,48. 10.59). Và các môn đệ của Người được căn dặn phải chúc "bình an" cho các nhà mà họ bước vào.

Nhưng... Ơn cứu độ này, thứ bình an mới mẻ này, đến làm đảo lộn sự bình an của thế gian. Đó không phải là một bình an dễ dãi, không có những chuyện phiền hà đâu. Nhưng đây là một thứ bình an cần được xây dựng trong khó nhọc.

Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau : cha chống lại con trai, con trai chống lại cha, mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ...

Hằng ngày ta vẫn thoáng thấy loại xung đột mà Đức Giêsu loan báo trên đây, đang xảy ra trong nhiều gia đình. Một ngày nào đó, con người sẽ phải tự quyết định, hoặc tin theo Đức Giêsu hay chống lại Người. Và ngay trong cùng một mái nhà, sự chia rẽ sẽ xảy ra, rất dữ dằn…

Lạy Chúa, con cầu xin Chúa cho các gia đình đang bị chia rẽ vì Chúa : bày tỏ lập trường dứt khoát như Chúa đòi hỏi; thật là vấn đề nghiêm trọng biết bao: Không cưỡng được, không được, rất khẩn thiết!

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Những thử thách của việc trung thành.

HOÀN CẢNH:

Sau lời giảng huấn của Đức Giêsu về việc phải tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi Chúa đến, có nhiều người trong môn đệ tỏ vẻ bỡ ngỡ. Nhân dịp này Đức Giêsu nhấn mạnh về lý tưởng hy sinh, bằng cách Người tuyên bố sứ vụ của Người đến thế gian là chịu đau khổ để cứu chuộc thế gian. Chúa gọi "đau khổ" này là "lửa" và cái chết trên Thánh Giá là "Phép rửa".

Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng này ghi lại lời Đức Giêsu loan báo về những thương khó Người sẽ chịu để cứu chuộc thế gian, và mời gọi những ai muốn theo Người cũng phải chung số phận đó.

TÌM HIỂU:

49 "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất …":

Đức Giêsu gọi những sự thương khó Người chịu là "lửa" để luyện lọc con cái Israel (Ml. 3,1-4;Is 1.25) và Người mong cho lửa đó được lan đến mọi người. Vì đau khổ luyện lọc người ta như lửa luyện vàng. "Lửa" cũng được hiểu là tình yêu, vì Thiên Chúa là tình yêu: yêu đến chết cho người mình yêu.

50 "Thầy còn một phép rửa…":

Đức Giêsu gọi cái chết của Người trên Thánh Giá mà Người sẽ chịu là một phép rửa, và Người mong mỏi cuộc thương khó, tử nạn của Người mau được hoàn tất để đem ơn cứu rỗi cho nhân loại.

51 "anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình trên trái đất này sao? …":

Đặt câu hỏi này, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh về giáo huấn của Người khi được loan báo, thì đòi hỏi người ta phải tuân phục hay chống đối. Chính vì sự lựa chọn này mà gây ra sự chia rẽ giữa người tuân phục và người chống đối.

52 "vì từ nay năm người trong cùng một nhà …":

Muốn theo Chúa, các môn đệ nhiều khi phải hy sinh những mối tình cao thượng, trong sạch và tự nhiên như tình bạn bè, anh em, cha mẹ…. Những lúc đó, vì muốn chọn lý tưởng siêu nhiên để theo Chúa, mà nhiều người, nhiều gia đình sẽ có những sự chia rẽ. Đối với những trường hợp ấy, Đức Giêsu là nguyên cớ gây ra sự chia rẽ: chia rẽ vì lý tưởng chọn Chúa hay từ chối Chúa. Tin mừng của Chúa đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa: theo hay không theo, sự lựa chọn này sẽ gây ra sự chia rẽ giữa người theo và không theo "ai không bỏ cha mẹ, vợ con … thì không đáng là môn đệ Ta".

NHÂN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Chúa Giêsu báo trước Người chịu đau khổ và các môn đệ cũng chịu đau khổ và các môn đệ cũng sẽ chịu đau khổ. "Phép rửa" mà Tin mừng nói đến hôm nay , chính là cái chết của Người. Mối "chia rẽ" mà Người tiên báo, là tình trạng khủng hoảng thường xuyên do Tin mừng đưa đưa đến trong nhân loại, và trong chính bản thân cuộc sống của mỗi người chúng ta.

2. Chúa Giêsu đã dùng cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Người để cứu chuộc nhân loại. Vì thế bài Tin mừng hôm nay, Chúa cũng mời gọi từng người chúng ta phải trở lại: là sửa đổi con người cũ thành con người mới, bỏ nếp sống trần tục để sống đời làm con cái Thiên Chúa.

3. Tinh thần Tin mừng của Chúa Giêsu đem đến là tinh thần của sự thương khó, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô đi ngược với tinh thần thế gian là thích hưởng thụ và ham khoái lạc. Nên những ai theo Chúa thì thường bị thế gian bách hại. Theo Chúa là chấp nhận hy sinh và mất mạng sống mình vì Chúa: "ai mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ được sống".

4. Lời Chúa hôm nay thúc đẩy ta muốn theo Chúa, làm môn đệ Chúa, chúng ta phải chiến đấu:

- Chống lại các khuynh hướng xấu của xác thịt và tội lỗi nơi bản thân.

- Chống lại sự của xã hội xấu, vì sức mạnh cám dỗ của ma quỷ còn nằm trong thế gian.

- Chống lại những trở ngại do tha nhân: như tình bạn, tình gia đình ruột thịt có thể gây ra tai hại cho đời sống đức tin của ta.

5. Chúng ta hướng về Thánh giá Chúa Giêsu để tỏ lòng khâm phục và cảm tạ tình thương hy sinh của Chúa. Nhờ đó chúng ta sẵn sàng hy sinh mọi sự để lo trung thành với Chúa ở đời này và đời sau được thông phần vinh quang với Chúa trên Nước Trời.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.